Doanh nghiệp kỳ vọng bứt tốc sau 'bão' COVID-19


Dịch COVID-19 được ví như một "siêu bão" đổ bộ, nhưng nếu vượt qua được thì nhiều cơ hội, triển vọng kinh doanh sẽ mở ra cho doanh nghiệp ở ...

Theo báo cáo từ Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với số vốn đăng ký trung bình trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 63% về số DN và tăng 216% về số vốn so với giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm mà cộng đồng DN gặp khó khăn chưa từng khó do dịch COVID-19 gây ra.

Doanh nghiệp giành giật "sự sống"

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty du lịch Bàn Chân Việt (Vietfoot Travel) cho biết, hoạt động của DN gần như "đóng băng" trong những thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng. Theo đó, để đảm bảo duy trì thu nhập, việc làm cho nhân viên, DN tập trung phát triển mạnh thị trường khách nội địa, tìm kiếm những phân khúc còn tiềm năng.

DN-tu-nhan-but-toc-hau-COVID-1-8277-7870

Kỳ vọng Việt Nam sẽ có thêm nhiều tập đoàn tư nhân lớn vươn mình ra quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam, chưa bao giờ đơn hàng bán online của DN đi được tất cả tỉnh thành trên cả nước nhiều như năm nay, lượng khách hàng tăng lên rất nhiều. Dịch COVID-19 đã khiến DN quay trở lại thị trường nội địa, chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị SUNFOOD DALAT CO.OP cho biết, đơn hàng bán online của HTX tăng đến 30% so với trước khi có dịch. Dù thị trường vẫn đang chịu tác động bởi dịch COVID-19, song HTX mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020.

"Bên cạnh thị trường nội địa, năm 2021, chúng tôi xác định là năm đột phá của HTX ở thị trường quốc tế. HTX sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản liên kết 63 tỉnh thành, đưa các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất ra thị trường quốc tế", ông Thạch nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo SUNFOOD DALAT CO.OP, để có thể phát triển hơn nữa, các HTX cần Nhà nước hỗ trợ về mặt bằng xây dựng cơ sở chế biến, cửa hàng, hỗ trợ về vấn đề phát triển thị trường...

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam bày tỏ, mong muốn lớn nhất của DN nông nghiệp là phải đẩy mạnh chế biến, hình thành những khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt dành cho nông nghiệp.

"Nếu cứ xuất thô thì chúng ta sẽ lệ thuộc rất lớn vào các nước chế biến, chưa kể giá trị thu về rất thấp", bà Thực chia sẻ.

Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa kỳ vọng, Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhất là trong bối cảnh những nước trong khu vực đang bị bùng dịch thì Việt Nam lại càng cần thận trọng. Dịch bệnh kiểm soát tốt thì du lịch mới mong phục hồi.

Ông Nghĩa cho biết, muốn có một sản phẩm du lịch đạt chất lượng cần có sự kết nối từ cơ sở lưu trú, điểm đến, phương tiện vận chuyển tới DN lữ hành. Ví dụ, giá phòng, giá vé tham quan có rẻ nhưng nếu vé máy bay cao thì cũng không kích cầu được điểm đến. Do vậy, Nhà nước có thể đứng ở vai trò trung gian kết nối giữa các bên lại với nhau, từ đó đưa ra một gói sản phẩm hợp lý, thu hút khách hàng trong nước.

Cần "cởi trói" và hỗ trợ  

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam Nguyễn Công Suất nhìn nhận, các DN không cần Nhà nước hỗ trợ tiền mà chỉ cần cơ chế. Cơ chế chính sách hiệu quả sẽ tạo ra rất nhiều tiền cho một quốc gia. Làm sao Nhà nước có thể vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng cần tạo điều kiện cho DN phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chưa bao giờ một năm mà có 100.000 DN ngừng hoạt động như năm 2020. Nói điều này để thấy DN khó khăn như thế nào. Vì vậy, Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa với khu vực tư nhân, phải làm rõ "động lực quan trọng" là quan trọng chỗ nào? Nhà nước phải làm gì để thể hiện vai trò của khu vực tư nhân? Ví dụ, nhiều dự án trước đây hợp tác công - tư nhưng hiện nay đã chuyển dần cho đầu tư công. Vậy, các DN tư nhân "không còn cửa để nhảy vào làm".

"Để năm 2021 tiếp tục có những thành tựu tốt cần phải có nhiều yếu tố. Trong đó, cần phải coi trọng nền kinh tế tư nhân, phải quan tâm hơn, cởi trói và không thất hứa với khu vực này", bà Lan nhấn mạnh.

Trước những vấn đề trên, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN hơn nữa.

"Định hướng trong thời gian tới nên tập trung vào đâu? Khâu nào là trọng yếu trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo?", Bộ KH&ĐT đặt vấn đề.

Đối với DN nhỏ và vừa cần nghiên cứu và thực hiện các chương trình khuyến khích, hỗ trợ các DN ứng dụng, làm chủ; nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ kết nối giữa các DN, giúp liên kết, tạo khối thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT khẳng định sẽ đẩy nhanh và triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN Việt Nam, trong đó chú trọng DN nhỏ và vừa. "Nếu hỗ trợ cho 800.000 DN hiện nay được tiếp cận chuyển đổi số, chắc chắn các DN này sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó lớn mạnh và đóng góp cho nền kinh tế rất lớn", Bộ KH&ĐT cho biết.

Anh-chup-Man-hinh-2021-01-25-l-6265-1836

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Tôi có suy nghĩ, kiến nghị với các bộ ngành, địa phương, đó là chúng ta cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở các DN nước ngoài tách ra thành lập các DN của Việt Nam. Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị DN, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này khi tách ra thành lập DN sẽ là những người thành công nhanh nhất. Đây là hướng rất mới, rất tốt, rất nhanh để kết nối ngay với các DN, cung cấp sản phẩm cho các DN FDI, giúp họ giảm chi phí.

Anh-chup-Man-hinh-2021-01-25-l-4591-2486

Bà Nancy Ngô Thị Bích Quyên

Chủ tịch Foinder AcitionCOACH Hà Nội West Firm

Sau "bão COVID-19" chắc chắn DN sẽ phát triển mạnh mẽ. Người Việt, doanh nhân Việt rất thông minh, sáng tạo, biết nắm bắt cơ hội nhanh. Tuy nhiên, DN cần môi trường kinh doanh minh bạch. Chính phủ tạo "sân chơi" tốt nhất cho DN để chúng tôi có thể yên tâm kinh doanh, đóng góp tiền thuế cho ngân sách, tạo ra công ăn việc làm ổn định.

Anh-chup-Man-hinh-2021-01-25-l-9840-7007

Ông Nguyễn Anh Dương

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Những cơ hội từ hội nhập và cải cách kinh tế trong nước là to lớn, song không thể tự hiện thực hóa. Cộng đồng DN và người dân có thể tin vào tiềm năng của Việt Nam trong quá trình hội nhập, song các tiềm năng đó chỉ trở thành triển vọng và hiện thực hóa trong một môi trường chính sách phù hợp. Môi trường chính sách ấy phải gắn với những thay đổi rõ ràng, nhất quán, phù hợp với các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự thân thiện, khích lệ và nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của cộng đồng DN.

Lê Thúy 

Bài liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội